Nếu những điều này khiến bạn thấy căng thẳng, đó không phải câu chuyện của riêng mình bạn. Rất đông người đang hoang mang trên mạng xã hội; thậm chí có cả những chuyên mục trên Reddit nơi mọi người chia sẻ cách để vượt qua những cảm giác đó. Các chuyên gia cho biết việc bội thực thông tin về những sự kiện như là bùng nổ virus Corona có thể khiến bạn trở nên căng thẳng, đặc biệt khi bạn không có gì để làm ngoài việc lướt Twitter hay Facebook mỗi ngày.
Tuy nhiên, bạn có thể tìm cách để giảm bớt sự căng thẳng và mệt mỏi trong khi vẫn giữ cho bản thân và gia đình an toàn. Giảm bớt căng thẳng không chỉ giúp xoa dịu tình hình hiện tại, điều đó còn giúp bạn khỏe mạnh và duy trì hệ miễn dịch tốt.
Tại sao Virus Corona lại khiến mọi người thực sự stress
“Cả thế giới đang đổ dồn vào những khía cạnh nguy hiểm của vấn đề”, Ethan Kross, một giáo sư tâm lý học tại đại học Michigan cho biết. Ông đang tiến hành một nghiên cứu về cảm xúc sự tự kiểm soát. Những tiêu đề báo chí hiện tại đều tập trung vào các thành phố, đất nước với tình trạng dịch bệnh lây lan nhanh chóng như Italy hay bang Washington. Các cơ quan y tế đang đưa ra những cảnh báo về mức độ nguy hiểm của các hoạt động tưởng chừng đơn giản, như tập trung đông người hay bắt tay. Trong khi nước Mỹ đang tiến hành thêm nhiều xét nghiệm hơn, số lượng các ca nhiễm Covid-19 tăng lên một cách chóng mặt.
Những khu vực công cộng dần vắng bóng, người dân xếp hàng bên ngoài các cửa hàng để chờ mua đồ ăn. “Những cảnh tượng như vậy khiến chúng ta cảm nhận rằng mọi thứ đang diễn biến thực sự nguy hiểm”, Thomas Rodebaugh - một nhà tâm lý học lâm sàng chuyên nghiên cứu về các chứng rối loạn lo âu đồng thời là giám đốc của viện lâm sàng tại đại học Washington chia sẻ. Các phương án phòng tránh đang được triển khai trên diện rộng và khiến bạn cảm thấy rằng, mọi người đang hoảng sợ, và điều đó khiến bạn... còn hoảng sợ hơn.
Tình huống trở nên tồi tệ hơn khi bạn thấy mình không có khả năng kiểm soát tình hình - Anu Asnaani, một nhà tâm lý học lâm sàng tại đại học Utah chuyên về các hội chứng liên quan tới sợ hãi chia sẻ. Không ai biết được khi nào đại dịch sẽ qua đi và khi nào mọi thứ trở lại bình thường - đây quả thực là điều đáng sợ. “Sự kiểm soát và niềm tin chắc chắn là điều cốt lõi để khiến chúng ta có thể vượt qua những trở ngại trong cuộc sống từ thuở hồng hoang”, Anu cho biết. “Khi cảm thấy bất an, chúng ta sẽ thực hiện nhiều biện pháp phòng tránh hơn để đảm bảo rằng mình sẽ không chết hoặc không bị giết”.
Bạn sẽ luôn cảm thấy rằng mọi người đang cố gắng khiến cho bạn sợ hãi; trên thực tế đúng là như vậy. Mục đích đằng sau đó là thôi thúc mọi người hành động để giữ cho bản thân an toàn. Tuy nhiên, tác dụng phụ của nó là việc bạn thấy bị quá tải và ngợp ngụa trong sự căng thẳng. Điều này trên thực tế không còn hữu ích nữa.
Những lưu ý để giảm thiểu căng thẳng
Về phía bản thân, biện pháp hữu ích bạn có thể áp dụng là tuân theo một chiến lược tạm gọi là “nhìn về tương lai xa” - tập trung sự quan tâm của bạn tới những vấn đề dài hạn hơn. Ví dụ, thử tưởng tượng một năm sau, hoặc nhiều năm sau nhìn lại, bạn sẽ thấy những biến cố ngày hôm nay ra sao? “Những công cụ mở rộng tầm nhìn như vậy sẽ giúp bạn thấy thư thái hơn”, Ethan Kross cho biết. Bạn cũng có thể thử đặt đại dịch này trong bối cảnh lịch sử. “Chúng ta đã từng đối mặt với những vấn đề này trong quá khứ và đều vượt qua được”. (tuy nhiên, đừng so sánh với đợt dịch cúm Tây Ban Nha).
Một cách quan trọng và cần thiết là hạn chế lượng thông tin bạn tiêu thụ về virus Corona. Hãy cố gắng cân bằng giữa lượng thông tin cần thiết để hiểu về dịch bệnh và loại bỏ những thông tin không cần thiết chỉ khiến bạn trở nên căng thẳng hơn. Hãy chọn những nguồn thông tin uy tín, ví dụ như thông tin từ trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh CDC, tổ chức y tế thế giới WHO… Nếu bạn đọc thông tin từ các trang báo địa phương, hãy chắc chắn đó là nguồn uy tín với tin tức cập nhật xung quanh bạn. Đừng để những thông tin giả hay những thông tin thiếu tính khách quan khiến bạn hoang mang và căng thẳng hơn trong mùa dịch bệnh.
Trên thực tế, mạng xã hội là một nguồn thông tin hữu ích nếu biết cách khai thác phù hợp. Ngược lại, đó cũng là nơi tràn ngập những thông tin tiêu cực, tiếng nói cực đoan, những giả thuyết không có căn cứ và thông tin sai lệch. Nếu việc đọc những thông tin trên mạng xã hội khiến bạn thấy tiêu cực hơn, bỏ điện thoại xuống, rời khỏi chiếc máy tính và làm gì có ích hơn trong lúc này.
Làm những điều bạn thấy thoải mái
Khi đã tắt điện thoại, rời bỏ tin tức, đã đến lúc bạn có thể thực hiện những hoạt động giúp giảm thiểu căng thẳng. Thiền không phải là Công ty CP dịch thuật miền trung - MIIDtrans Blog một ý tồi, Rodebaugh nhấn mạnh. Tất nhiên bạn không cần phải nghĩ thêm điều gì mới để làm nếu đã có cách để giúp bản thân giảm thiểu căng thẳng. “Khi bạn cảm thấy quá tải, sẽ dễ dàng hơn để vượt qua khó khăn nếu áp dụng một chiến lược đối mặt với căng thẳng bạn đã từng làm trước đó và thành công”. Bạn cũng có thể làm những điều mang tính định hướng cho tương lai khiến bạn thấy thoải mái. Giờ là lúc để mỗi người bắt đầu với các công việc dang dở như trang hoàng lại nhà cửa, nấu ăn, nướng bánh, tập thể thao với các bài tập trên Youtube, viết lách hay chuẩn bị một điều gì mới cho tương lai.
Khi số lượng người ở nhà ngày càng nhiều, việc cô lập bản thân cũng có thể tăng nguy cơ căng thẳng, đặc biệt với những người lớn tuổi với nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Đừng quên những hoạt động mọi người có thể làm cùng nhau trong gia đình như chơi điện tử với anh chị em, ngồi trò chuyện với ông bà, nấu ăn cùng mẹ… Ngoài ra, trò chuyện với bạn bè cũng là cách tốt để giảm căng thẳng.
Mục đích cuối cùng là tìm một giải pháp tối ưu nhằm giảm thiểu stress trong khi vẫn cập nhật được tin tức và bảo vệ sự an toàn cho gia đình. “Chúng ta muốn nắm bắt tất cả những điều đang diễn ra”, Kross chia sẻ “tất nhiên, bạn có thể hoàn toàn làm được điều đó mà không phải quá hoảng loạn trước nỗi sợ đang gieo rắc cùng đại dịch”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét